Giỏi Toán thường được hiểu là đếm các số càng lên cao càng tốt, làm được các phép tính khó với thời gian càng nhanh càng tốt. Trong khi mục đích học Toán không phải chỉ có thế.
Theo phương pháp Montessori, chuẩn bị gián tiếp ngay từ nhỏ cho Toán học (từ 0 tuổi trở đi) cũng quan trọng không kém việc trực tiếp học Toán. Trẻ không học để ganh đua với một cái máy tính. Toán học không phải chỉ là các phép toán mà là các nguyên tắc toán học được áp dụng trong đời sống hàng ngày với trẻ mầm non, đó mới là bản chất quan trọng của Toán học. Và thật may là điều này thì tất cả bố mẹ đều có thể làm được một cách dễ dàng ở nhà, không tốn kém, chỉ cần có thời gian cho con.
Nguyên tắc tối quan trọng là chỉ làm một việc một lúc, làm từ đầu đến cuối giống như giải một bài toán sau này. Không bao giờ được đang chơi xếp hình lại bỏ đó chuyển sang chơi xâu hạt. Nếu không hoàn thành được những việc nhỏ sau này lớn trẻ khó mà tập trung làm được những việc mất nhiều thời gian hơn, đơn giản nhất là ngồi tập trung nghe cô được hết một tiết học khi vào lớp một. Nói như thế không có nghĩa là khi con chán chơi xếp hình thì cứ bắt con ngồi xếp. Khi bé không muốn xếp hình, hướng dẫn con xếp vào hộp, cất đi, xong mới lấy hoạt động xâu hạt ra làm.
Rèn cho trẻ tính kiên nhẫn, tự giải quyết các vấn đề từ dễ đến khó theo độ tuổi, không hơi tí đi nhờ người giúp vì nghĩ khó quá mình không làm được. Điều này rất khó với các bậc cha mẹ, những người quen nghĩ càng giúp con nhiều là càng thương con. Hãy nói với bé “Con thử suy nghĩ xem sao?”, “Mình phải làm sao bây giờ nhỉ?” hay “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con làm a hay b?”.
Tập cho trẻ có thói quen tư duy chính xác, bắt đầu bằng luôn gọi đúng tên mọi vật, sự việc, cảm xúc... Mưa rơi có thể là mưa tí tách, mưa xối xả, mưa lất phất... Sấm là sấm chứ không phải ông đùng. Hãy nói “Đúng 7h mình sẽ đi học con nhé”, thay vì “Nhanh lên nào muộn giờ của mẹ bây giờ”, “Con được xem nửa tiếng vô tuyến mỗi ngày và khi chuông reo là hết giờ", thay vì “Hết giờ xem rồi tắt ngay đi”.
Tập cho con tư duy logic. Khi bày bàn ăn nói “Con đếm xem nhà mình có bao nhiêu người, bao nhiêu người thì cần bấy nhiêu bát”. Ngoài ra còn có rất nhiều trò chơi bố mẹ có thể chơi trước khi đi ngủ với con. Đơn giản nhất là đưa ra hai lựa chọn để con chọn một “Con cá sống dưới nước hay trên bờ?”, “Ông mặt trời màu xanh hay màu đỏ?”... sau khó dần lên bằng việc bé phải tự nghĩ ra câu trả lời “Chim bay, cò bay, lợn có bay không nào?”, “Không?”, “Tại sao lợn lại không biết bay?”, “Vì nó không có cánh” là câu trả lời bạn đang chờ. Ngoài ra bạn có thể cho trẻ luyện tập tư duy logic bằng cách cho trẻ học theo phương pháp học toán của Singapore.
Giúp con học tính trật tự, đầu tiên mình làm a, sau đó đến b, sau đó c... để giúp con hiểu mọi việc được kết nối ra sao, giống như trật tự từng bước khi giải toán. Như vậy sau này bé sẽ rất dễ dàng học trật tự và các số thứ tự, thứ nhất, thứ hai, thứ ba, giờ trong ngày, ngày trong tuần, tháng trong năm, các mùa nối tiếp nhau trong năm thế nào... các trật tự hữu hình và vô hình.
Tập thói quen tư duy, xử lý thông tin trước khi hành động. Đừng để trẻ thử đúng sai rồi rút ra kết luận. Ngay từ bé luôn làm mẫu cho bé các hoạt động một cách chính xác, làm mẫu thì phải chuẩn, sau khi hướng dẫn bé làm chưa đúng thì lần sau làm mẫu lại chứ không nhảy vào sửa khi con đang làm việc, bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn.Hãy giúp con so sánh mọi thứ có thể, so sánh giúp trẻ hiểu bản chất sự việc, giúp rèn khả năng quan sát, tư duy, ra quyết định. Đó chính là áp dụng toán học vào cuộc sống một cách đơn giản.
Giúp trẻ học cộng trừ nhân chia theo đúng bản chất. Ví dụ của phép cộng: mỗi ngày con ăn một hộp sữa chua, cả tuần con ăn mấy hộp? Phép nhân: Một tuần con ăn 7 hộp sữa chua, vậy hai tuần con ăn bao nhiêu hộp.Để trẻ cộng 7 với 7, vì phép nhân chính là phép cộng đặc biệt mà thôi. Phép trừ: Con mua 7 hộp sữa chua, hôm nay là thứ 3, con đã ăn mất một hộp, trong tủ lạnh còn mấy hộp? Phép chia: Con mua 7 hộp sữa chua, có 7 ngày trong tuần, mỗi ngày con ăn mấy hộp? Và đương nhiên, đừng bảo trẻ mầm non cộng nhẩm, hãy giữ lại vỏ sữa chua, rửa sạch làm đồ dùng học toán. Nếu làm được cộng thì làm được nhân, làm được trừ thì làm được chia. Rất đơn giản và dễ hiểu. Và nếu các bố mẹ thầy cô làm được những điều tưởng như nhỏ nhặt trên đây em bé nào cũng sẽ mê toán vì toán học khi hiểu được bản chất lại trở thành đơn giản
http://toansongngu.vn/blogs/news/hanh-trang-cho-con-gioi-toan
http://toansongngu.vn/blogs/news/hanh-trang-cho-con-gioi-toan
Nguồn: Vnexpress
Nhận xét
Đăng nhận xét